Học viện Âm nhạc Huế

Học viện Âm nhạc Huế

Địa chỉ: 1 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, TP. Huế

Được hình thành từ năm 1962 với tên gọi là Trường Quốc gia Âm nhạc kịch nghệ Huế, đến năm 1986 sáp nhập với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế với tên gọi là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế, năm 1994 đổi tên là Trường Đại học Nghệ thuật Huế trực thuộc Đại học Huế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tháng 11 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Học viện Âm nhạc Huế trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Học viện Âm nhạc Huế là đơn vị sự nghiệp giáo dục, có chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị Âm nhạc truyền thống, đặc biệt là các di sản Âm nhạc được UNESCO công nhận như: Nhã nhạc Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên... đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về lĩnh vực Âm nhạc ở bậc trung học, đại học và sau đại học; nghiên cứu khoa học, biểu diễn Âm nhạc, góp phần giữ gìn và phát triển nền Âm nhạc Việt Nam mà trực tiếp là khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể

Tổ chức khảo sát, sưu tầm, điền dã để thu thập tài liệu băng đĩa các loại hình sinh hoạt âm nhạc và tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống của toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là Nhã nhạc Huế và Không gian văn hoá cồng chiêng Tây nguyên, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của Thế giới ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tổ chức tổng điều tra, khảo sát và quy hoạch dân ca dân nhạc các vùng miền đặc trưng trong toàn khu vực để kịp thời sưu tầm, lưu giữ, khảo cứu, phát huy và giới thiệu, quảng bá vốn di sản âm nhạc truyền thống của khu vực dưới mọi hình thức, tiến tới việc thành lập Ngân hàng dữ liệu điện tử dân ca dân nhạc, ngành âm nhạc Dân tộc học và nhà Bảo tàng âm nhạc Dân tộc học.

Có kế hoạch triển khai các công trình nghiên cứu khoa học trong Học viện âm nhạc Huế như biên soạn đề cương môn học, tổ chức biên soạn giáo trình giảng dạy, đặc biệt đối với giáo trình âm nhạc các dân tộc thiểu số, âm nhạc truyền thống, dân ca dân nhạc các tỉnh, thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đào tạo nguồn nhân lực các ngành học, thuộc nhóm ngành âm nhạc theo danh mục các ngành đào tạo đại học, cao đẳng khối Văn hoá Nghệ thuật Thông tin đã được Hội đồng chương trình của Bộ Văn hoá - Thông tin thông qua ngày 31/12/2004, bao gồm: Sáng tác âm nhạc, Lý thuyết (trước đây gọi là ngành lý luận âm nhạc), Chỉ huy, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống (với các chuyên ngành Tranh, Tam, Tỳ, Nhị, Nguyệt, Sáo, Bầu...), Biểu diễn nhạc cụ phương tây (với các chuyên ngành Violon, Cello, Kèn, Guitare, Accordeon, Organ, Piano, Thanh nhạc...và Sư phạm âm nhạc ở bậc cao đẳng, đại học, sau đại học theo các loại hình đào tạo chính quy, không chính quy, đào tạo văn bằng hai, bồi dưỡng nghiệp vụ và tạo nguồn theo chỉ tiêu phân bổ của nhà nước và yêu cầu của xã hội cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ngoài các danh mục đào tạo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành, Học viện âm nhạc Huế ra đời sẽ đề xuất xây dựng thêm các danh mục chương trình đào tạo hệ thống bài bản Nhã nhạc (Âm nhạc Cung đình) và hệ thống bài bản âm nhạc sử dụng trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.