Trường THPT Phan Đình Phùng
Địa chỉ: Cửa Bắc, Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội
Trường Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu có diện tích 27.600m2 (mặt trông ra đường Cửa Bắc dài 230m, hai mặt trông ra đường Phan Đình Phùng và Quán Thánh rộng 120m). Khu nhà trung tâm xây 3 tầng kiên cố vào năm 1917 có sân chơi rộng thoáng, nhiều cây cao bóng cả.
Thời Pháp thuộc, đầu tiên là trường Nam Sư Phạm (École Normale d'instituteur) đào tạo giáo viên tiểu học, sau đổi là Cao đẳng tiểu học Đông Dương (École Primaire Superieur Indochinoise gọi tắt là E.P.S.I) mang tên Đỗ Hữu Vị. Thầy Nguyễn Văn Hiếu nhiều năm dạy và làm hiệu trưởng trường này. Từ đây, nhiều học sinh sau này thành danh như Trung tướng Nguyễn Hòa, nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Vũ Đình Liên...
Trong thời kỳ địch tạm chiếm, trường Bưởi trở thành trại lính Pháp thì học sinh Chu Văn An trở về đây học. Khi quân ta về tiếp quản Thủ đô (1954) học sinh Chu Văn An trở về trường cũ, đây lại là trường cấp 2, 3 Nguyễn Trãi rồi sau đó còn là trường Sư phạm Trung sơ cấp (10+3, 7+3) do bà Nghiêm Chưởng Châu làm hiệu trưởng.
Những năm máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, học sinh Hà Nội đi các trường nơi sơ tán. Đến khi hiệp định Pari được ký kết, tất cả lần lượt trở về, nhiều học sinh cấp 3 không còn chỗ học. Thế là UBND Hà Nội ký quyết định thành lập trường cấp 3 Phan Đình Phùng ngày 10/3/1973. Tháng 9 năm 1977 thành phố lại quyết định thành lập trường cấp 3 Hoàng Diệu. Năm 1996 hai trường sáp nhập thành trường THPT Phan Đình Phùng như hiện nay.
Thời kỳ đầu, khu trường còn hẹp vì 1/3 phía trước là trường Sư phạm mẫu giáo, 1/3 phía sau là trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục. Đã hẹp lại hư hỏng nặng vì bom đạn, nhiều lớp học bị chiếm dụng làm nhà ở. Sân trường là kho chứa bột mỳ của Công ty lương thực.
Đến nay, ngoài tòa nhà chính tồn tại gần 100 năm, trường còn xây mới nhiều tòa nhà khác với đầy đủ tiện nghi. Sau khi trường Sư phạm mẫu giáo chuyển đi trường đã được trả lại thêm 1/3 diện tích ban đầu nên rộng thoáng hơn, ngoài cổng cũ ở 67 Cửa Bắc, trường có thêm cổng ở số 30 đường Phan Đình Phùng.
Trở về trường có 40 năm truyền thống, các cựu giáo viên và học sinh Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu đều vui mừng, tự hào và tin tưởng rằng chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ ngày một tốt đẹp hơn.