Tranh chấp lối đi chung giữa các bất động sản liền kề
Luật sư cho e hỏi: nhà e có 1 thửa đất nông nghiệp có diện tích 100m2, cách đây 3,4 năm hàng xóm có mở lời xin làm đường sang phần đất của gia đình e, gia đình e đã đồng ý nhưng nay do nhu cầu sử dụng gia đình e muốn thu hồi lại chỗ đất đó nhưng nhà hàng xóm không đồng ý và nói đất đó là của chung.
Luật sư cho e hỏi: nhà e có 1 thửa đất nông nghiệp có diện tích 100m2, cách đây 3,4 năm hàng xóm có mở lời xin làm đường sang phần đất của gia đình e, gia đình e đã đồng ý nhưng nay do nhu cầu sử dụng gia đình e muốn thu hồi lại chỗ đất đó nhưng nhà hàng xóm không đồng ý và nói đất đó là của chung.
Do 2 bên chỉ nói miệng với nhau không có chứng cứ nên gia đình e có nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Lần thứ nhất cán bộ nói gia đình e còn nửa đường đi đó, lần thứ 2 thì lại nói đường ý là của chung không phải của ai cả, đất nhà chị có thiếu thì thuê công ty đo đạc đi đo lại ruộng đất, bây giờ gia đình em muốn lấy lại chỗ đất đó thì phải làm sao?
tranh chấp lối đi chung giữa các bất động sản liền kề
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Vì bạn không cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến phần đất đó nên việc xác định phần đất đó thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn hay là lối đi chung chúng tôi không thể xác định giúp bạn được. Việc này phải dựa vào giấy tờ mà hai bên có cùng với hồ sơ địa chính được lưu trữ cũng như việc bạn chứng minh lối đi này thuộc quyền sử dụng của riêng gia đình ban như thế nào. Ví dụ như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện ranh giới phần đất nhà bạn đến đâu, hồ sơ địa chính lưu trữ ranh giới các thửa thế nào, nếu như là lối đi chung thì sẽ thuộc quyền quản lý của UBND xã.
Trong trường hợp xác định đây là phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn thì việc gia đình hàng xóm muốn sử dụng chung phải tuân theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.”
Bạn cần phải xem xét xem lối đi này có thực sự là nhu cầu thiết yếu của gia đình hàng xóm của bạn không, cụ thể là nhà hàng xóm bạn có bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà chỉ có duy nhất lối đi đó là lối ra hay không. Theo đó, vấn đề của bạn sẽ được căn cứ vào Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2005 để giai quyết như sau:
“1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”
Như vậy, nếu bạn muốn lấy lại phần đất lối đi chung này, thì trước hết bạn cần phải xem xét lại phần đất này có thuộc quyền sử dụng của riêng gia đình mình hay không. Trường hợp đây là đất của gia đình bạn bị hàng xóm sử dụng làm lối đi chung thì bạn cần xem xét xem nhà hàng xóm còn lối đi ra nào khác không. Nếu gia đình hàng xóm không còn lối đi nào khác thì gia đình bạn phải để lại lối đi đó làm lối đi chung và có quyền yêu cầu đền bù cho lối đi đó.
Dựa vào những căn cứ nếu trên bạn có thể biết được quyền lợi của mình. Trong trường hợp quyền lợi của mình bị xâm phạm, sau khi tiến hành hòa giải ở UBND xã, phường mà 2 bên hòa giải không thành thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dận quận/huyện nơi có thửa đất để yêu cầu giải quyết.
Trân trọng!
P. Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia
nguồn luatminhgia.