Thủ tục cấp phép xây dựng nhà đất
Hoạt động xây dựng bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
1. Điều kiện cấp phép xây dựng:
+ Quyết định giao đất, cho thuê đất của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ địa chính mà không có tranh chấp.
+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp (gồm: Bằng khoán điền thổ hoặc Trích lục, Trích sao bản đồ điền thổ, Bản đồ phân chiếc thửa, Chứng thư đoạn mãi đã thị thực, đăng tịch, sang tên tại Văn phòng chưởng khế, Ty điền địa, Nha trước bạ).
+ Giấy tờ thừa kế nhà, đất được UBND phường xã xác nhận về thừa kế, không có tranh chấp.
+ Bản án hoặc Quyết định của Tòa án nhân dân hoặc Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
+ Giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mua bán nhà ở kèm theo quyền sử dụng đất ở được UBND Phường/Xã/Thị trấn, Quận/Huyện xác nhận không có tranh chấp.
+ Các loại giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở theo Quyết định 38/2000/QĐ-UB-ĐT ngày 19-6-2000 của UBND Thành phố.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới nhà ở được quy định:
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng mới được lập thành 3 bộ và nộp tại UBND Quận/Huyện gồm:
+ Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu) do chủ nhà đứng tên.
+ Bản sao có thị thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất, kèm theo bản trích lục bản đồ đất hoặc trích đo trên thực địa xác định sơ đồ ranh giới lô đất, cao độ và tỉ lệ đúng quy định địa chính.
+ Giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu là công trình xây dựng của doanh nghiệp).
+ Hồ sơ thiết kế gồm: Mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/200-1/500, sơ đồ vị trí công trình, mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt công trình tỷ lệ 1/100, mặt bằng móng, chi tiết mặt cắt móng, sơ đồ cấp thoát nước, điện.
3. Cơ quan thẩm quyền cấp phép xây dựng:
+ Chủ tịch UBND Quận/Huyện cấp phép xây dựng nhà ở và các công trình có diện tích sàn đến 1.000m2 hoặc kinh phí đầu tư đến 2 tỷ đồng, các công trình lớn hơn do Sở Xây dựng Thành phố cấp phép.
+ Thời gian cấp phép xây dựng tối đa là 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Sau 30 ngày nếu không có giấy phép hoặc ý kiến từ chối của cơ quan cấp phép thì người xin cấp phép làm đơn báo UBND cấp Phường và được quyền khởi công xây dựng mà không cần giấy phép.
4. Xin gia hạn giấy phép xây dựng:
+ Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi có giấy phép xây dựng mà công trình chưa khởi công thì người xin cấp phép xin được gia hạn, thời gian được gia hạn thêm là 12 tháng.
+ Hồ sơ xin gia hạn gồm: Đơn xin gia hạn giấy phép xây dựng; Giấy phép xây dựng đã được cấp.
+ Thời gian cấp giấy phép gia hạn là 10 ngày.
5. Thủ tục hoàn công được quy định:
Sau khi xây dựng xong, chủ nhà phải nộp hồ sơ hoàn công. Cơ quan cấp phép cũng chính là cơ quan ra biên bản hoàn công. Hồ sơ hoàn công bao gồm:
+ Giấy báo đề nghị kiểm tra công trình hoàn thành
+ Bản sao giấy phép xây dựng.
+ Bản sao hợp đồng thi công với nhà thầu xây dựng có tư cách pháp nhân (có thị thực).
6. Xin phép sửa chữa, cải tạo, mở rộng nhà ở riêng lẻ của tư nhân.
Hồ sơ xin cấp giấy phép sửa chữa được lập thành 3 bộ và nộp tại UBND Quận/Huyện gồm:
+ Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu) do chủ nhà đứng tên.
+ Bản sao có thị thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (nếu có) kèm theo bản trích lục bản đồ đất hoặc trích đo trên thực địa xác định sơ đồ ranh giới lô đất, cao độ và tỉ lệ đúng quy định địa chính.
+ Giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu là công trình xây dựng của doanh nghiệp).
+ Hồ sơ thiết kế gồm:
- Mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/200-1/500, sơ đồ vị trí công trình, mặt bằng các tầng, mặt đứng và mặt cắt công trình tỷ lệ 1/100, mặt bằng móng, chi tiết mặt cắt móng, sơ đồ cấp thoát nước, điện.
- Ảnh chụp mặt chính căn nhà xin sửa chữa và 2 căn liên kế 2 bên (khổ 9x12).
- Hồ sơ khảo sát hiện trạng móng (xác định khả năng nâng tầng và biện pháp gia cố) của tổ chức tư vấn có pháp nhân (trường hợp có nâng tầng).