Quy định về hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư thân mến, tôi được biết trong luật đất đai có 2 loại hạn mức đó là hạn mức giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất, luật sư có thể giúp tôi so sánh Hạn mức giao đất với Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trong luật đất đai 2013 được không vậy??
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Hạn mức giao đất là diện tích đất tối đa mà hộ gia đình và cá nhân được phép sử dụng trên cơ sở đất được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng hợp pháp từ người khác hoặc do khai hoang phục hóa, nhằm khống chế diện tích đất mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền được phép giao cho hộ gia đình,cá nhân sử dụng,tránh hiện tượng giao đất một cách tùy tiện với diện tích lớn,đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý để giới hạn diện tích đất được phép sử dụng của hộ gia đình,cá nhân mà quyền sử dụng đất được hình thành từ việc Nhà nước giao đất.
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất là diện tích đất tối đa mà hộ gia đình cá nhân được nhận trên cơ sở nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất...cơ sở xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất được xác định thông qua hạn mức giao đất của từng địa phương quy định.
Theo quy định tại Điều 129 Luật đất đai 2013 về hạn mức giao đất nông nghiệp:
"1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:
a) Đất rừng phòng hộ;
b) Đất rừng sản xuất.
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
... "
Hạn mức giao đất thường được xác định đối với loại đất là đất nông nghiệp, nhưng vẫn còn có một số loại đất khác được xác định hạn mức như giao đất làm muối hay đất làm kinh tế trang trại (căn cứ quy định tại Điều 138, 142 Luật đất đai 2013). Chủ thể giao đất là Nhà nước giao cho cá nhân, hộ gia đình để sử dụng đất theo mục đích mà Nhà nước giao.
Theo quy định tại Điều 130 Luật đất đai 2013 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân:
"1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này.
2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ."
Có thể thấy, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ quy định với loại đất là đất nông nghiệp và đối tượng áp dụng cũng là đối với hộ cá nhân, gia đình. Ngoài ra mức nhận chuyển quyền sử dụng đất không cố định mà sẽ tùy thời điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng và từng thời kì phát triển.