Trường THPT Thăng Long
Địa chỉ: 44 Tạ Quang Bửu, Bách Khoa, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Từ năm 1920 tại Hà Nội có một trường tư thục mang tên Thăng Long học đến cấp thành chung (tương đương cấp II) đến năm 1935 được mở rộng lên bậc tú tài (tương đương cấp III bây giờ). Thăng Long đã nổi tiếng từ lâu đời vì nơi đây đã tập trung nhiều trí thức yêu nước là giáo viên của trường và đã đào tạo nhiều học sinh sau này là những chiến sĩ cách mạng, giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Nhà nước.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, từ khi Hà Nội bị tạm chiếm, trường vẫn tồn tại cho đến khi giải phóng Thủ đô. Theo chủ trương của Đảng các trường tư thục sẽ được quốc lập hóa và bậc phổ thông chia 3 cấp riêng biệt. Thăng Long cũng vậy: Cấp I vẫn giữ tên Thăng Long ở địa điểm ngõ Trạm-nay là đơn vị anh hùng của ngành Giáo dục, Bộ phận cấp III rời về phố Trần Hưng Đạo lấy tên là Minh Tân (nay là địa điểm của trường Võ Thị Sáu). Năm 1960 hai trường tư thục Minh Tân và Nguyễn Huệ sát nhập làm một và được quốc hữu hóa có tên là trường phổ thông cấp III Trưng Vương B (gọi tắt là Trưng Vương 3B) học buổi chiều với Trưng Vương 3A tại phố Hàng Bài. Đến năm 1963-1964 cơ sở này chuyển lại cho cấp II Trưng Vương, Trưng Vương 3B chuyển về ngõ Quỳnh phố Bạch Mai cùng cơ sở với cấp III Đoàn Kết (Quận Hai Bà Trưng).
Theo chủ trương giáo dục của Đảng “học đi đôi với hành”, các trường phải tự tìm cho mình một con đường đi theo phương châm của Đảng đã đề ra. Năm học 1964-1965 Trưng Vương 3B được Tổng cục Lâm nghiệp giúp đỡ đưa học sinh khối 10 (nay là lớp 12) đi trồng rừng tại Hữu Lũng –Lạng Sơn. Sau đó trường đưa thêm hai lớp 9 (88HS) tình nguyện lên lâm trường Hữu Lũng gần ga Bắc Lệ để thí điểm mô hình trường vừa học vừa làm.
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ngày 05 tháng 08 năm 1964, giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân. Tháng 4 năm 1965, UBND Thành phố ra lệnh cho các trường phải rời nội thành đi sơ tán. Đầu năm học 1965-1966 Trưng Vương III tách làm hai phân hiệu: một phân hiệu về Lĩnh Nam –Thanh Trì, một phân hiệu lên lâm trường Hữu Lũng-Lạng Sơn. Theo chủ trương của Sở Giáo dục các trường có quy mô lớn có thể tách ra cho phù hợp với tình hình mới. Phân hiệu Trưng Vương 3B sơ tán tại Hữu Lũng được phép thành lập trường mới và được lấy lại tên cũ là Thăng Long. Trường phổ thông cấp III Thăng Long được ra đời từ đấy.