Hong Kong và Úc đứng đầu thị trường đầu tư khách sạn châu Á
Theo đánh giá của đơn vị nghiên cứu Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, các thành phố cửa ngõ cung cấp một nền tảng về du lịch lâu dài và năng động, nhưng các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc các khoản đầu tư thay thế vào những thị trường du lịch mới nổi.
Các thành phố cửa ngõ như Hong Kong, Sydney, Melbourne và Singapore vẫn là những thị trường hấp dẫn nhất đối với vốn đầu tư khách sạn nhờ vào nền tảng du lịch vững chắc, đồng thời cung và cầu được cân bằng trong dài hạn. Các nhà đầu tư cũng không ngừng tìm kiếm các cơ hội mới tại các thị trường có nền tảng du lịch mới nổi như Việt Nam.
Hong Kong và Úc tiếp tục là các quốc gia được các nhà đầu tư khách sạn châu Á ưa chuộng
Trong nửa đầu năm 2017, lượng giao dịch đầu tư phân khúc khách sạn ở châu Á Thái Bình Dương chỉ đạt hơn 2,9 tỷ USD, thấp hơn so với những năm trước đây. Theo ghi nhận của JLL, có khoảng 28 thương vụ đầu tư khách sạn trên sáu quốc gia, với hơn 5.000 phòng, giá trung bình mỗi phòng của tất cả các giao dịch khoảng 486.600 USD.
Ông Frank Sorgiovanni, Giám đốc Nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương, Tập đoàn Khách sạn của JLL cho hay, Hong Kong và Úc là những thị trường dẫn đầu khu vực về lượng đầu tư trong nước với tổng trị giá tương đương 1,5 tỷ USD, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch và hiệu quả kinh doanh vững chắc đã thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Úc.
Điều này chứng tỏ Úc tiếp tục là đất nước ưa chuộng của các nhà đầu tư khách sạn châu Á, với nhiều cơ hội để tham gia vào thị trường trong thời gian gần đây. Hoạt động đầu tư khách sạn tại Úc diễn ra sôi nổi với hàng loạt giao dịch lớn ở Melbourne và Sydney. Đa số các thương vụ chủ chốt được giao dịch ở Melbourne, trừ thương vụ InterContinental Sydney Double Bay bị thâu tóm bởi một tập đoàn đầu tư Trung Quốc với giá 104 triệu USD - giá trị cao nhất ghi nhận được cho một khách sạn ngoại thành Sydney.
Ngoài ra, Trung tâm Hội nghị Quốc tế vừa mở cửa cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư khách sạn thương mại và ngành công nghiệp kinh doanh kết hợp du lịch (MICE) tại Sydney, với lượng cung mới trong tương lai sắp được chào đón khi công suất phòng trên toàn thành phố đang tiếp tục được lấp đầy.
Ông Sorgiovanni cho biết thêm, hoạt động giao dịch khách sạn trong năm dự kiến sẽ tiếp tục sôi động ở Úc nhờ vào lãi suất thấp, kinh tế tăng trưởng vững chắc và đồng đôla Úc suy giảm. Nhưng cơ hội để thâu tóm khách sạn ở nhiều thị trường cửa ngõ châu Á là rất hạn chế và nhà đầu tư không ngừng cân nhắc các cơ hội đầu tư tại những thị trường mới nổi như Việt Nam hoặc Campuchia - nơi có mức tăng trưởng mạnh mẽ khách du lịch đến từ Trung Quốc.
Tiêu biểu tại thị trường khách sạn Việt Nam, việc đổi mới thương hiệu của Khu nghỉ dưỡng The Nam Hai tại Hội An, sự quản lý của thương hiệu Four Seasons khiến cho phân khúc nghỉ dưỡng ngày càng nằm trong tầm ngắm của nhiều thương hiệu khai thác và vận hành khách sạn lớn.
"Chúng tôi vẫn đặc biệt lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế và du lịch của Việt Nam - thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư trên toàn khu vực, nhất là vào phân khúc khách sạn và khu nghỉ mát trong 18 tháng qua. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường được nhắc đến nhiều nhất ở châu Á Thái Bình Dương", ông Sorgiovanni cho hay.