Dòng tiền 'rời bỏ' các quỹ đầu tư bất động sản toàn cầu

Cập nhật: 07/07/2017 | Lượt xem : 1532

Đã sang tuần thứ 10, dòng tiền thế giới vẫn tiếp tục rút ra khỏi các quỹ đầu tư bất động sản với tổng cộng 4,18 tỷ USD.

Tương tự như những lần nâng lãi suất khác, dòng tiền chảy vào các ngành được cho là sẽ hưởng lợi từ lãi suất tăng và ngược lại.

Trong tuần vừa qua, dòng tiền đổ vào các quỹ đầu tư ngành tài chính đột nhiên tăng mạnh, lên 1,36 tỷ USD, mức cao nhất 14 tuần qua. Trong khi đó dòng tiền vẫn tiếp tục 'rời bỏ' các quỹ đầu tư ngành bất động sản khi kéo dài sang tuần thứ 10 với tổng cộng 4,18 tỷ USD.

Giới đầu tư cũng tỏ ra e dè hơn với vàng khi lãi suất tăng mặc dù đồng USD chưa có dấu hiệu mạnh lên. Các quỹ đầu tư hàng hóa cơ bản bị rút khoảng 0,88 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền đổ về các quỹ đầu tư cổ phiếu của Mỹ tăng mạnh lên 17 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong 26 tuần liên tiếp. Vào tuần kết thúc ngày 16/12/2016 (cũng là tuần FED nâng lãi suất), dòng tiền đổ vào các quỹ này cũng tăng vọt lên 18 tỷ USD.

Hiện tượng dòng tiền rút khỏi các quỹ đầu tư bất động sản toàn
cầu đã bước sang tuần thứ 10. Ảnh minh họa

Không chỉ vậy, xu hướng chấp nhận rủi ro cao hơn sau mỗi lần FED nâng lãi suất còn xuất hiện ở dòng tiền rút khỏi các quỹ Money market fund với con số 30 tỷ USD, cao nhất trong 22 tuần qua. Khi nhiều nhà đầu tư chuyển sang ưa thích khẩu vị rủi ro, ngoài cổ phiếu, các tài sản rủi ro khác như tài sản ở thị trường mới nổi cũng có thể thu hút được dòng vốn. Các quỹ GEM (global emerging market fund) thu hút khoảng 1,9 tỷ USD dòng tiền, cao nhất trong 4 tuần.

Tuy nhiên khẩu vị rủi ro với thị trường mới nổi không phải chỉ toàn tích cực. Các quỹ khu vực (regional fund) tuần qua bị rút vốn mạnh, trong đó có cả 3 khu vực chính là châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latin. Trong khối các nền kinh tế mới nổi (BRIC), Ấn Độ là quốc gia duy nhất có dòng tiền đi vào, trong khi Brazil bị rút vốn lần đầu trong 4 tuần với giá trị khoảng 130 triệu USD, đây là mức cao nhất suốt nhiều năm. Tương tự, ở tuần thứ 9, các quỹ chuyên đầu tư vào nhóm BRICs cũng có dòng tiền bị rút với tốc độ tăng mạnh.

Trước đây, nhiều dự báo cho rằng dòng vốn vào thị trường mới nổi sẽ bị xáo trộn trong tuần FED nâng lãi suất (theo hướng dòng tiền bị rút mạnh lên) vì vậy giới đầu tư không quá bất ngờ khi xảy ra hiện tượng dòng tiền bị rút gia tăng ở các quỹ khu vực và quốc gia thị trường mới nổi. Do giới đầu tư thích khẩu vị rủi ro tăng lên, SSI cho rằng dòng vốn đầu tư vào thị trường này sẽ sớm ổn định trở lại.