Trường THPT Đông Đô

Trường THPT Đông Đô

Địa chỉ: 8 Võng Thị, Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Ngày 15/07/1991 UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1254/QĐ thành lập Trường phổ thông trung học Đông Đô. Đây là Trường phổ thông ngoài công lập thứ 3 được thành lập ở Thủ đô.

Trong năm học đầu tiên 1991-1992, theo đề xuất của TS.Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Nhà trường; Bộ GDĐT cho phép triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: Xây dựng Trường phổ thông 3 cấp do TS.Võ Thế Quân làm Chủ nhiệm đề tài (mã số của đề tài: B93-24-62). Để triển khai đề tài trên trong năm học 1992-1993 Trường đã tiến hành mở các lớp THCS và 1 lớp 1 đầu tiên. Trên cơ sở thành công của năm học này và để thực hiện Luật Giáo dục tiểu học, ngày 25/08/1993 UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định 3176/QĐ thành lập Trường tiểu học Đông Đô và bổ nhiệm TS.Lưu Thị Khánh làm Hiệu trưởng. Đây là trường tiểu học ngoài công lập đầu tiên được thành lập ở Hà Nội.

Trường trung học Đông Đô và Trường tiểu học Đông Đô đều do Công đoàn Trường đại học sư phạm Hà Nội bảo trợ và thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội và Phòng GDĐT quận Tây Hồ. Sự liên kết trong đào tạo giữa Trường tiểu học Đông Đô và Trường trung học Đông Đô tạo thành một nhà trường hoàn chỉnh, đồng bộ và thống nhất: Trường phổ thông Đông Đô, đào tạo học sinh liên tục từ lớp 1 đến lớp 12; giáo dục, hình thành, phát triển nhân cách và bồi dưỡng trí tuệ cho thế hệ trẻ ở bậc Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Đây là một mô hình giáo dục mới ở nước ta phù hợp với Luật Giáo dục năm 2005.

Mục tiêu của Trường phổ thông Đông Đô:
1. Đào tạo học sinh bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông phân ban liên tục từ lớp 1 đến lớp 12 với chất lượng cao theo chương trình của Bộ GDĐT. Thực hiện sự mềm hoá quá trình đào tạo theo quy trình năm giai đoạn.
2. Đặc biệt chú ý phát triển trí tuệ, kỹ năng thực hành, có năng lực thích ứng với cuộc sống và bồi dưỡng nhân cách người Việt Nam  hiện đại. Áp dụng các phương pháp dạy học mới theo hướng cá thể hoá quá trình đào tạo; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh và tăng cường sử dụng các thiết bị kỹ thuật, các thành tựu của công nghệ thông tin vào quá trình dạy học.
3. Xây dựng, hoàn thiện quy trình đào tạo và cơ chế quản lý theo hướng phát huy tối đa nội lực, chủ động tạo ra động lực và điều kiện cho sự phát triển liên tục, ổn định, lâu dài của Nhà trường tiên tiến, hiện đại, chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển của nền giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI.