Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên
Địa chỉ: Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên
Trường cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên tiền thân là cơ sở dạy nghề thuộc nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ được thành lập tháng 11 năm 1959. Từ những năm đầu là lớp đào tạo 16 học sinh cơ điện tại phân xưởng cơ khí Phát Lực với mục tiêu đào tạo công nhân kỹ thuật bổ xung cho yêu cầu sản xuất của nhà máy, năm thứ 2 (Năm 1960) có 48 học sinh, năm thứ 3 (năm 1961) có 84 học sinh đào tạo các nghề Điện, Nguội, Tiện, Rèn, Nồi hơi.Ngày 15/6/1965 Bộ Công nghiệp nhẹ ra quyết định thành lập trường Công nhân Kỹ thuật cơ khí Hoàng Văn Thụ, ngày 31/5/1975 Bộ Công nghiệp nhẹ tách trường CNKT Cơ khí Hoàng Văn Thụ ra khỏi nhà máy Giấy, lấy tên là trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện Công nghiệp nhẹ Bắc Thái tại quyết định số 24/CNN/TCQL.
Với qui mô đào tạo từ 450 - 500 học sinh và đến ngày 11/01/1994 Bộ Công nghiệp nhẹ ra quyết định số 23/CNN-TCLĐ nâng cấp và đổi tên trường thành trường Kỹ Nghệ Thực hành Bắc Thái. Tại Quyết định số 14/1998/QĐ-BCN ngày 26 tháng 2 năm 1998 trường được Bộ Công Nghiệp nâng cấp và đổi tên là trường Trung học Công nghiệp Thái Nguyên; Ngày 9/10/2006 trường được nâng cấp và đổi tên thành trường cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên (Theo Quyết định số 5618/QĐ-BGD&ĐT ngày 09 tháng 10 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên và Quyết định số 2895/QĐ-BCN ngày 19 tháng 10 năm 2006 của Bộ Công nghiệp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên).
Việc nâng cấp lên trường Cao đẳng là phù hợp với nhu cầu xã hội và phù hợp với đặc điểm địa lý khu vực miền Núi phía Bắc và là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhà trường phát triển. Trải qua hơn 53 năm xây dựng và phát triển, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm trực tiếp của Bộ Công thương, sự giúp đỡ của các cơ quan xí nghiệp trên địa bàn và chính quyền địa phương, Nhà trường luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ Bộ giao để trở thành cơ sở đào tạo đáng tin cậy trên địa bàn và các tỉnh phía Bắc. Tính đến nay nhà trường đã đào tạo trên 23.000 công nhân lành nghề và cán bộ kỹ thuật cho các ngành công nghiệp và công nghiệp nhẹ trên khắp mọi miền của tổ quốc. Số HSSV ra trường đa số có việc làm ngay và được các cơ sở sản xuất đánh giá tốt về trình độ chuyên môn cũng như khả năng thích ứng với thực tế sản xuất. Nhiều anh chị em đã phấn đấu trở thành những cán bộ giỏi về chuyên môn nắm giữ những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy…