Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng

Địa chỉ: 19 Trần Quang Khải, Quận Hồng Bàng, Hải Phòng

Ngày 16 tháng 6 năm 2004 Bệnh viện được Thành phố xếp nâng hạng từ Bệnh viện chuyên khoa hạng II lên Bệnh viện chuyên khoa hạng I. Đây là mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của bệnh viện, nâng bệnh viện lên một tầm cao mới, đánh dấu một bước tiến mới của Bệnh viện cả về “lượng” và về “chất”. Để đạt được kết quả này, suốt từ những năm cuối của thế kỷ 20, Bệnh viện đã âm thầm chuẩn bị, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến chuyên môn, kỹ thuật và đặc biệt là con người. Bệnh viện đã chắt chiu, tiết kiệm từng đồng để động viên, khuyến khích cán bộ viên chức đi học nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ quản lý, Tin học, ngoại ngữ... Không chỉ chuẩn bị về cơ sở vật chất và con người, bệnh viện còn có nhiều sự chuẩn bị khác để đáp ứng các chỉ tiêu của Bệnh viện chuyên khoa hạng I như: tổ chức bộ máy, chỉ tiêu giường bệnh, đề tài nghiên cứu khoa học, các kỹ thuật cao đang thực hiện, công tác chỉ đạo chuyên khoa... Căn cứ vào đề nghị của Bệnh viện, ngày 05 tháng 02 năm 2004, Sở Y tế Hải Phòng ra quyết định số 02/QĐ - TC về việc thành lập khoa Sản khó và Hậu sản. Tiếp đến ngày 15 tháng 3 năm 2004, Bệnh viện có quyết định số 105/QĐ-TCCB về việc kiện toàn tổ chức các khoa sản. Theo đó, Bệnh viện có 4 khoa sản:

Khoa Sản 1 (Khoa Đỡ đẻ): Có chức năng nhiệm vụ: Theo dõi chuyển dạ đẻ, đỡ đẻ, theo dõi sau đẻ 6 giờ sản phụ đẻ không có nhu cầu phục vụ theo yêu cầu.

Khoa Sản 2 (Khoa Sản khó và Hậu sản): Tiếp nhận điều trị sản phụ sau đẻ không bệnh lý, sản phụ chưa chuyển dạ không bệnh lý nhưng có yếu tố nguy cơ cao về sản khoa (đẻ khó).

Khoa Sản 3 (Khoa sản bệnh): Tiếp nhận điều trị sản phụ sau đẻ có bệnh lý (bệnh lý sản khoa, nội ngoại khoa, truyền nhiễm) và sản phụ tiền sản bệnh lý, tiền sản yêu cầu.

Khoa Sản yêu cầu: Theo dõi chuyển dạ đẻ, đỡ đẻ và điều trị hậu sản yêu cầu.

Việc chia tách thành nhiều khoa sản là cơ sở để các khoa phát triển chuyên sâu hơn về các kỹ thuật được giao, là cơ sở để xây dựng chuyên môn hoá, hiện đại hoá từng lĩnh vực trong công tác chuyên môn bệnh viện.