Cơn sốt đất tái diễn do "cò" thổi giá, "bám đuôi" dự án sân bay

Cập nhật: 19/05/2017 | Lượt xem : 265

Tại Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai), tình trạng sốt đất đang tái diễn sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư Dự án sân bay Long Thành và đồng ý bổ sung cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển khu vực đến năm 2020. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến đất đai tại đây "nóng" lên là do "cò" thổi giá, đầu cơ…

Trong những năm qua, việc hạ tầng phát triển như vũ bão đã giúp Đồng Nai và Tp.HCM như xích lại gần nhau hơn, thị trường bất động sản (BĐS) tại khu đông Tp.HCM và các huyện của Đồng Nai nằm giáp Tp.HCM cũng sốt hơn bao giờ hết. Nhiều chủ dự án căn hộ, đất nền hay khu đô thị lớn đua nhau chào đón khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng có nguy cơ mắc bẫy, tiền mất tật mang bởi việc giao dịch ở huyện Nhơn Trạch và Long Thành thời gian qua gần như bị "cò" thao túng, buôn bán theo kiểu "chợ trời".    

Hiện tại, phần lớn các dự án, khu đô thị trên là bãi đất trống, một số khu đô thị dù đã hình thành nhưng lại ở trong tình trạng "vườn không nhà trống".

"Cò" đất đang giới thiệu dự án ăn theo sân bay Long Thành

Theo như thông tin giới thiệu, dự án đất nền Airlink Town là dự án trọng điểm nằm trên tuyến đường huyết mạch DT 769, là trục chính vào sân bay Long Thành và kết nối Tp.HCM về thị trấn Long Thành. Nhận là nhân viên bán hàng dự án trên, khi gặp chúng tôi, Ngọ chỉ vào tấm bản đồ quy hoạch sử dụng đất của huyện Long Thành và giới thiệu, sắp tới, mặt tiền đường DT 769 sẽ được mở rộng lên 60m kết nối với hạ tầng của khu vực sân bay. Ngọ nói: "Mấy chục lô mặt tiền (lô A) đã bán hết và chủ yếu dành cho cán bộ. Nếu anh mua thì chỉ còn lô D giai đoạn 2 của dự án hoặc những vị trí bên trong. 33 lô nền còn lại có giá từ trên 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng/nền với diện tích từ 100m2-120m2".

Khi thấy chúng tôi lắc đầu, Ngọ tiếp tục: "Chỉ còn ít nền là đã hết rồi. Anh mua để đầu tư hay để ở? Nếu ở thì sau này hạ tầng xây xong cứ theo sơ đồ mà nhận đất. Còn nếu mua đầu tư thì giao cho em bán lại chắc chắn sẽ sinh lời nhanh". Theo ghi nhận, sau cái tên mỹ miều như một đô thị hiện đại thì dự án này nằm heo hút bên đất rẫy, những cánh rừng cao su của người dân.

Tương tự, tại xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai, dự án Khu đô thị Thung Lũng X. ven Quốc lộ 51 có quy mô 45 ha từng gây sốt trên thị trường với hàng ngàn sản phẩm đất nền được chào bán trong thời gian ngắn. Dù đã được đầu tư hạ tầng, cây xanh, nhưng dự án vẫn không có bóng dáng một ngôi nhà nào.

Cũng có hoàn cảnh tương tự là Khu đô thị Tam A với quy mô hơn 37 ha nằm gần đó. Có quy mô 237 ha với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự án Khu đô thị Long Thọ - Phước An dù có hạ tầng kết nối khá hoàn chỉnh nhưng dân cư rất thưa thớt. Cách đó không xa, ở xã Phú Thạnh và Long Tân thuộc huyện Nhơn Trạch, dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn có mức đầu tư lên đến 6 tỷ USD tham vọng sẽ biến vùng đất 942 ha thành khu đô thị với dân số lên đến 150.000 người, nhưng hiện tại, siêu đô thị này vẫn chỉ là vùng đất bạt ngàn.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, sau khi có thông tin triển khai dự án sân bay Long Thành, cơn sốt đất ăn theo dự án bắt đầu bùng phát. Tại đây, việc tách thửa phân lô, bán nền diễn ra ồ ạt đến mức UBND tỉnh Đồng Nai phải yêu cầu không được tách thửa. TS Nhân lý giải: "Việc các đơn vị phân lô bán nền trái phép sẽ dẫn đến việc xây dựng của người mua sau này cũng trái phép. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn như: các tuyến đường trong khu dân cư không có vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật không được kết nối đồng bộ, hệ thống thoát nước hay hệ thống điện, cáp viễn thông không đảm bảo gây gánh nặng cho nhà nước khi phải tốn kém đầu tư lại, đồng thời phá nát quy hoạch sau này".

Để giúp thị trường BĐS trên địa bàn thoát khỏi vòng xoáy ảo và tránh để "cò" đất làm xấu thị trường, ngày 20/4/2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định tạm ngưng giải quyết tách thửa đất trên địa bàn, chờ ban hành quy định mới. Trước đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa trên địa bàn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, ông Đặng Minh Đức cho biết, trên địa bàn thời gian qua, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền diễn ra khá phổ biến, từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp chuyển thành đất ở. Người dân có quyền làm điều này khi nhà nước chưa có kế hoạch sử dụng đất khu vực đó. Các địa phương sẽ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, những khu vực đã phê duyệt khu dân cư tự cải tạo thì xem xét theo hạn mức cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Đức cũng cho biết, những khu vực khác không nằm trong kế hoạch sử dụng đất, để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch vùng, địa phương có quyền từ chối việc chuyển mục đích.